Rủi ro trong đầu tư chứng khoán là sự dao động của lợi nhuận mong đợi. Nó thường mang tính chất tiêu cực hơn là tích cực.
Sự giao động này có thể là sự sụt giảm, thua lỗ. Hoặc là những biến động thất thường về mức sinh lời trong hoạt động đầu tư. Để đạt được mức lợi nhuận tốt, nhà đầu tư cần có kỹ năng quản trị rủi ro.
Rủi ro hệ thống
Đây là loại rủi ro có thể ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư khó có thể tránh loại rủi ro này. Tuy nhiên, họ toàn toàn có thể quản trị nó nếu có chiến lược phù hợp.
Một số ví dụ của rủi ro hệ thống là: các sự kiện chính trị bất ngờ, suy thoái kinh tế thế giới, biến động lãi suất,… Đây là những sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư trên thị trường khó có thể tránh loại rủi ro này. Ngay cả khi đã đa dạng hóa danh mục đầu tư hay chuyển đổi sang đầu tư các quỹ tương hỗ.
Tại Việt Nam, vào tháng 4/2018, thị trường chứng khoán chứng kiến một cú giảm mạnh khoảng 25% đến từ rủi ro hệ thống. Nguyên nhân của sự sụt giảm này bao gồm:
- Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung gây ra sự bất ổn vĩ mô trong khoảng thời gian đó.
- Đồng USD trên đà tăng mạnh. Điều này khiến khối ngoại có xu hướng bán ròng gây lỗ do tỷ giá chênh lệch.
Nhà đầu tư có thể phân rủi ro hệ thống ra làm 4 loại chính bao gồm: rủi ro giá hàng hóa, rủi ro mô hình, rủi ro thanh khoản, rủi ro lạm phát và rủi ro lãi suất.
1. Rủi ro giá hàng hóa
Đầu tư chứng khoán tức là đầu tư vào các công ty cổ phần phát hành chứng khoán. Nói một cách cụ thể hơn chính là đầu tư vào hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó.
Do vậy, giá hàng hóa tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán. Nhất là những hàng hóa liên quan trực tiếp tới chính sách kinh tế của nhà nước. Chẳng hạn, xăng, dầu, điện, khí đốt,…
Giá hàng hóa thay đổi luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra biến động trên thị trường chứng khoán.
2. Rủi ro mô hình
Khi tham gia thị trường chứng khoán, hầu hết mọi người đều chọn cho mình một mô hình đầu tư riêng. Có thể là mô hình định giá tài sản và vốn doanh nghiệp, mô hình đồ thị kỹ thuật,…
Tuy nhiên, không một mô hình đầu tư riêng lẻ nào có thể giúp nhà đầu tư tránh mọi rủi ro trên thị trường chứng khoán. Thị trường luôn biến động khó lường trước với nhiều yếu tố từ vi mô tới vĩ mô.
Kết hợp nhiều mô hình với nhau có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro mô hình.
3. Rủi ro thanh khoản
Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi từ chứng khoán sang tiền và ngược lại. Khi điều kiện giao dịch thay đổi, rủi ro thanh khoản xuất hiện. Nó không có lợi cho nhà đầu tư và cần được phòng ngừa kĩ lưỡng.
Một số dấu hiệu nhận biết tính thanh khoản của cổ phiếu:
- Khi giao dịch xảy ra với khối lượng lớn, tính thanh khoản ở mức cao. Nhà đầu tư có thể dễ dàng trao đổi cổ phiếu.
- Nếu khối lượng giao dịch thấp, thậm chí có phiên không có giao dịch, tính thanh khoản của cổ phiếu đang ở mức thấp.
4. Rủi ro lạm phát và rủi ro lãi suất
Rủi ro lãi suất bắt nguồn từ sự lên xuống của lãi suất trái phiếu chính phủ. Khi đó, sự dao động trong mức sinh lời kỳ vọng của các cổ phiếu xuất hiện. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả giao dịch của các nhà đầu tư.
Giá chứng khoán luôn biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường. Tức là khi lãi suất tăng sẽ làm cho giá trị thị trường của chứng khoán bị sụt giảm và ngược lại.
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Đồng thời là sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó.
Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây. Do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Rủi ro lạm phát khiến giá trị của đồng tiền thay đổi. Điều này gây dao động tới lợi nhuận tương lai của các nhà đầu tư.
Rủi ro phi hệ thống
Đây là những rủi ro đặc trưng trong từng ngành hoặc từng công ty. Ví dụ: tai nạn máy bay tới từ ngành hàng không, thông tin xấu từ một công ty chứng khoán,…
Những rủi ro này không đủ sức mạnh để tác động tới toàn thị trường chứng khoán. Nhưng nó có khả năng ảnh hưởng tới một mã cổ phiếu hoặc cổ phiếu của một ngành nhất định. Có 5 loại rủi ro phi hệ thống, bao gồm:
1. Rủi ro xếp hạng
Bất kỳ một ngành công nghiệp, dịch vụ nào đều có các đánh giá, xếp hạng hàng năm. Nếu doanh nghiệp giảm hạng so với năm trước, giá trị của doanh nghiệp có thể giảm. Tức là cổ phiếu có thể xuống giá.
Tuy nhiên, việc xếp hạng doanh nghiệp là cần thiết. Nó giúp tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Từ đó, tác động tích cực đến sự phát triển chung của toàn thị trường.
2. Rủi ro lỗi thời
Đây là loại rủi ro có thể xảy ra với bất kì doanh nghiệp, ngành kinh doanh nào trên thị trường. Một số trường hợp có thể xảy ra như các sản phẩm lỗi thời, không có giá trị đổi mới, không tăng trưởng lợi nhuận trong nhiều năm.
Khi đó, doanh nghiệp hoạt động trì trệ so với các đối thủ cạnh tranh. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó có thể giảm sút.
Ví dụ điển hình có thể kể đến Nguyễn Kim. Đây là thương hiệu đi đầu trong ngành bán lẻ các thiết bị công nghệ, giáo dục ở Việt Nam trong nhiều năm. Song những năm gần đây, Nguyễn Kim tăng trưởng vô cùng chậm, thậm chí không tăng trưởng.
Một loạt các công ty như Thế Giới Di Động hay FPT ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mặt Nguyễn Kim. Đây chính là rủi ro lỗi thời trong ngành công nghệ – một ngành đòi hỏi sự thay đổi liên tục.
3. Rủi ro kiểm toán
Sự kiểm soát chi phí và nguồn vốn kém là nguồn gốc của rủi ro kiểm toán. Rủi ro này gây tổn hại tới giá trị doanh nghiệp và có nguy cơ làm giảm giá cổ phiếu.
Khi nghiên cứu nội tại doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tìm hiểu khả năng tự kiểm toán của doanh nghiệp để phòng trừ loại rủi ro này.
4. Rủi ro truyền thông
Rủi ro truyền thông xảy ra khi doanh nghiệp phát hành chứng khoán phải đối mặt với sự kiện xấu, truyền thông xấu từ nhiều phía. Truyền thông sai sự thật cũng có thể gây ảnh hưởng tới thương hiệu. Nó khiến giá cổ phiếu của công ty giảm nhanh.
Đây được coi là một trong những loại rủi ro nguy hiểm nhất trong đầu tư chứng khoán.
5. Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý là điều mà hầu hết các nhà đầu tư đều có thể gặp phải khi đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư cần nắm được các điều luật tài chính cơ bản. Từ đó ứng dụng trong việc nhận định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, một số thay đổi của pháp luật có thể gây ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Chẳng hạn như thắt chặt chính sách thuế, quy định vốn,…
Hạn chế rủi ro đầu tư chứng khoán bằng cách tham khảo cố vấn tài chính
Trong trường hợp bạn chưa biết cách đầu tư chứng khoán ra sao để hạn chế rủi ro, bạn có thể tìm đến các cố vấn tài chính chuyên nghiệp để được tư vấn.
Cố vấn đầu tư là những người có kinh nghiệm, thành công và đã được chứng minh về năng lực. Người này sẽ giúp khách hàng lập kế hoạch đầu tư tổng thể, thiết kế danh mục, tư vấn và quản lý rủi ro. Cùng với đó là tư vấn chi tiết từng loại hình đầu tư hợp pháp trên thị trường.
Nguồn: www.pronexus.com.vn