Cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg MLIV Pulse cho thấy, hơn hai phần ba nhà đầu tư được hỏi vẫn coi quy tắc 60/40 là một chiến lược khả thi để mang lại lợi nhuận vượt qua lạm phát trong thập kỷ tới. Cuộc khảo sát bao gồm 1.056 chuyên gia đầu tư và nhà đầu tư cá nhân Mỹ.
Theo chiến lược này, tài sản sẽ được phân bổ 60% cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu. Đây là một danh mục đầu tư truyền thống có mức độ rủi ro vừa phải. Như vậy khi cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả, trái phiếu sẽ đóng vai trò bệ đỡ, hỗ trợ vì chúng thường có diễn biến trái chiều nhau.
Phân tích gần đây của Amy Arnott – chiến lược gia danh mục đầu tư của Morningstar cho thấy, các nhà đầu tư có tỷ lệ danh mục 60/40 nhận được lợi nhuận cao những nhà đầu tư có chiến lược phức tạp hơn. Kết quả này đúng khi so từng giai đoạn mỗi 3 năm từ giữa năm 2009 đến tháng 12/2021.
Nhưng gần đây, điều kiện thị trường đã thay đổi: lãi suất đang tăng và lạm phát ở Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm qua. Dẫu thế, những người trung thành theo chiến lược trên bất chấp nhiều lời kêu ca về “cái chết của quy tắc 60/40” khi trái phiếu bị ảnh hưởng bởi đợt sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, khiến thị trường chứng khoán đi xuống theo. Phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với lạm phát tăng cao đã đè bẹp cả cổ phiếu và trái phiếu. Ngay cả với đợt phục hồi chứng khoán gần đây, các nhà đầu tư vẫn mất khoảng 10% giá trị tài sản trong năm nay, đà giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008.
Greg Whiteley – giám đốc danh mục đầu tư tại DoubleLine Capital, cho biết: “Tôi có quan điểm tiêu cực về cả cổ phiếu và trái phiếu vì lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Điều đó cũng cho thấy rằng trái phiếu kho bạc không phải là nơi tốt nhất để đầu tư ngay bây giờ nếu bạn lo ngại về cổ phiếu”.
Thị trường tài chính đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay. Lạm phát tăng cao và khó giảm đang khiến Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất nhiều thập kỷ qua. Điều này xóa sạch môi trường dễ sinh lời trong đại dịch, vốn đã thúc đẩy trái phiếu và cổ phiếu đạt đỉnh. Mặc dù chứng khoán tăng trong 4 tuần liên tiếp, nhưng dữ liệu kém nhiệt từ Trung Quốc đã đẩy chỉ số chứng khoán Mỹ tương lai giảm trong phiên giao dịch đầu đầu này.
Không ai dám chắc về kế hoạch của Fed. Điều này làm gia tăng thêm sự biến động giữa các loại tài sản và khiến nhà đầu tư khó kiếm tiền, dù sử dụng chiến lược nào. Tiền số – vốn từng được coi là hàng rào chống lạm phát, cũng đã giảm mạnh trong năm nay. Các nhà đầu tư quốc tế cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động dữ dội của tỷ giá.
Trong bối cảnh đó, khoảng một nửa nhà đầu tư cá nhân cho biết họ có nhiều khả năng sẽ giữ nguyên phần trái phiếu trong danh mục đầu tư 60/40 trong vòng 6 tháng tới. Hơn một nửa số người được hỏi cũng đồng ý rằng trái phiếu kho bạc là tài sản không rủi ro tốt nhất trong phân bổ thu nhập cố định của họ vào 6 tháng tới.
Lisa Hornby – người đứng đầu mảng thu nhập cố định tại Schroders – nêu quan điểm: “Thu nhập cố định hoàn toàn có chỗ đứng trong danh mục đầu tư lúc này vì nó thực sự tạo ra thu nhập. Mỹ đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chậm lại, điều này sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho trái phiếu”.
Khảo sát của Bloomberg MLIV Pulse cũng cho thấy, nếu các nhà đầu tư thay thế phần trái phiếu bằng một tài sản khác, thường họ sẽ không chuyển sang tiền số. Giải pháp thay thế phổ biến nhất cho cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân là bất động sản (chỉ 6%). Các lựa chọn khác bao gồm tiền mặt, chứng chỉ tiền gửi và cổ phiếu nhận cổ tức. Vàng cũng thiếu sự ủng hộ của những người được hỏi như một giải pháp thay thế cho trái phiếu, bất chấp căng thẳng địa chính trị cao hơn trong năm nay.
“Các tài sản thực khác như bất động sản, cổ phần tư nhân, cho vay cá nhân có thể là một lựa chọn bổ sung lành mạnh cho danh mục đầu tư và thực sự giúp đa dạng hóa lợi nhuận của bạn”, giám đốc đầu tư của Nuveen – Saira Malik, cho biết.