Chỉ số P/S (Price/Sales per Share hoặc Price to Ratio) là chỉ số được dùng để đo lường, định giá mức doanh thu nhận được trên mỗi cổ phần dựa vào giá giao dịch hiện tại của thị trường. Chỉ số P/S phản ánh số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng chi trả cho 1 đồng doanh thu của doanh nghiệp.
Thông thường, chỉ số P/S sẽ được ưa chuộng hơn chỉ số P/E hay P/B vì 2 lý do chủ yếu:
- Thứ nhất, do nhà đầu tư lo sợ lợi nhuận bị doanh nghiệp thay đổi, bóp méo, dẫn đến chỉ số P/E cho ra kết quả sai lệch.
- Thứ hai, lo sợ thông tin, giá trị sổ sách có thể không chính xác, từ đó P/B không đáng tin cậy.
P/S dựa vào doanh thu thực tế của doanh nghiệp nên được đánh giá là đáng tin cậy hơn. Dựa vào chỉ số P/S các nhà đầu tư còn có thể xác định được giá trị tương đối của cổ phiếu ở hiện tại so với quá khứ cũng như so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.
Ưu điểm:
- Đầu tiên, so với lợi nhuận, doanh thu ít khi bị thay đổi hơn. Điều đó giúp kết quả tính toán của P/S có tính chính xác. Lợi nhuận có thể bị bóp méo bởi các chiêu trò thao túng nhưng doanh thu luôn được kiểm tra chéo bởi chuyên gia, đối tác nên độ tin cậy được đảm bảo.
- Thứ hai, chỉ số P/S vẫn có thể sử dụng dù doanh nghiệp đang bị thua lỗ: Nhiều doanh nghiệp mới chưa thể tạo được lợi nhuận trong vài năm đầu tiên. Một số doanh nghiệp có thể hoạt động thua lỗ, lợi nhuận âm, đầu tư dự án bị lỗ, không có lợi nhuận. Lúc này, nhà đầu tư buộc phải sử dụng chỉ số P/S hiện tại để so sánh với P/S trong quá khứ và so với các tổ chức khác trong cùng ngành.
- Thứ ba, P/S có tính ổn định hơn do thông thường doanh thu biến động thấp hơn so với lợi nhuận. Một số lĩnh vực kinh doanh có yếu tố chu kỳ sẽ trải qua các mốc thời gian lên xuống, từ đó lợi nhuận cũng biến động tương ứng. Chính vì vậy, P/S sẽ tốt hơn cho việc đo lường và phân tích.
Nhược điểm:
- Mặc dù tính P/S dựa vào doanh thu nhưng nếu doanh thu tăng nhanh là do các khoản phải thu trong bảng cân đối kế toán. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp chỉ đang ghi nhận doanh thu sớm, còn dòng tiền thực tế thì chưa có.
- Chỉ số P/S không giúp nhà đầu tư nắm bắt được sự khác biệt về cấu trúc chi phí trong doanh nghiệp mà chỉ cung cấp thông tin về mặt bán hàng hóa/cung cấp dịch vụ.
- Trường hợp chỉ số P/S ghi nhận doanh thu cao, nhưng doanh thu này chưa bù vào chi phí, trong dài hạn doanh nghiệp vẫn có nguy cơ thua lỗ. Bởi vì bản chất của kinh doanh là dòng tiền cùng lợi nhuận.
Công thức:
Có 3 yếu tố giúp nhà đầu tư tính toán chính xác chỉ số P/S:
- Thị giá cổ phiếu hiện đang giao dịch trên thị trường – P – Market Price
- Doanh thu thuần trên từng cổ phiếu – S – Sales per Share
- Tổng lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành
Chỉ số P/S = Thị giá cổ phiếu/Doanh thu thuần * Tổng lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành
Trong đó, kết quả phép tính Thị giá cổ phiếu*Tổng lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành chính là vốn hóa thị trường. Vì vậy rút gọn thành dạng:
P/S = Vốn hóa thị trường/Doanh thu thuần
Ví dụ:
Thị giá cổ phiếu hiện tại là 126,2 nghìn đồng.
Khối lượng cổ phiếu lưu hành là 1,741 tỷ cổ phiếu.
⇒ Vốn hóa thị trường = 219.763 tỷ đồng.
Giả sử tổng doanh thu thuần là 53.726 tỷ đồng.
⇒ Doanh thu thuần trên 1 cổ phiếu = Doanh thu 4 quý/Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành = 53.736/1,741= 30,86 nghìn đồng.
Từ đó ta có:
Chỉ số P/S = Thị giá cổ phiếu/Doanh thu thuần = 126,2/30.86 = 4.09.
Hoặc có thể áp dụng công thức chỉ số P/S = Vốn hóa thị trường/Tổng doanh thu thuần = 219.763/53.726= 4.09.
Cách sử dụng:
Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong thị trường ngành có tốc độ tăng trưởng cao
P/S sẽ phản ánh chính xác mức giá mà thị trường hiện đang sẵn sàng chi trả cho 1 đồng doanh thu của doanh nghiệp. Đối với những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh từ 15-20%/năm hoặc cao hơn, nhà đầu tư có thể dựa vào chỉ số P/S để tìm kiếm cơ hội.
Khi nhận thấy chỉ số P/S của doanh nghiệp đang thấp hơn trung bình ngành, thấp hơn cả chính đối thủ nhưng doanh nghiệp này lại đang tăng trưởng, không ngừng cải thiện thị phần qua các năm, điều này có thể giải thích là doanh nghiệp đang chịu thua lỗ để tiếp tục tái đầu dư, phát triển hoạt động với tầm nhìn xa hơn. Đây chính là cơ hội đầu tư tuyệt vời mà bạn không nên bỏ lỡ.
Sử dụng chỉ số P/S thay thế cho P/E
Như đã đề cập ở trên, trong lĩnh vực ngành mang yếu tố chu kỳ, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến P/E sai lệch. Lúc này, P/S là lựa chọn hoàn hảo chống lại sự sai lệch trong phân tích và đánh giá.
Khi ngành xuất hiện xu hướng chuyển dịch mới, nên sử dụng P/S
Xu hướng chuyển đổi trong các ngành nghề diễn ra phổ biến, nhất là thời đại công nghệ hiện nay. Các lĩnh vực nổi bật như thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống, năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống, ô tô tự lái và ô tô truyền thống,… thường có sự cạnh tranh giữa cái mới và cái cũ, sự tăng trưởng dẫn đến đột phá mới tốt hơn.
Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian đáng kể để phản ánh vào doanh thu, càng mất nhiều thời gian hơn mới tác động tới lợi nhuận. Nhìn chung, doanh thu vẫn là yếu tố đầu tiên bị tác động nếu ngành xuất hiện cuộc chiến này. Khi đó, chỉ số P/S sẽ có ý nghĩa hơn so với các chỉ số khác trong việc đánh giá tác động của xu hướng.
Dựa vào chỉ số P/S để đánh giá một doanh nghiệp đang thua lỗ
Chỉ số P/S không bị phụ thuộc vào yếu tố lợi nhuận như P/E. Nếu doanh nghiệp đang thua lỗ, P/E không có ý nghĩa vì khi đó, chỉ số này sẽ có giá trị nhỏ hơn 0, nhưng P/S vẫn có thể sử dụng được.
Các doanh nghiệp mới, họ chỉ tạo ra doanh thu chứ chưa thể đem về lợi nhuận. Kể cả các doanh nghiệp đã có sẵn thị phần nhưng bất ngờ rơi vào thua lỗ. Lúc này lợi nhuận nhỏ hơn 0 nên không thể sử dụng P/E.
Trong khi đó, nhà đầu tư có thể so sánh P/S của chính doanh nghiệp trong quá khứ, so sánh với các doanh nghiệp trong cùng ngành để có được đánh giá phù hợp.
Dùng chỉ số P/S ngay cả khi doanh nghiệp có dấu hiệu bóp méo lợi nhuận
P/S sẽ không bị hạn chế nếu doanh nghiệp cố ý thực hiện những thủ thuật kế toán. Nhiều doanh nghiệp thường có sự thay đổi thông tin khiến lợi nhuận bị chênh lệch so với thực tế và chênh nhiều hơn so với doanh thu. Thông thường, doanh nghiệp sẽ dùng các khoản khấu hao, lãi suất, chi phí thuế để thao túng lợi nhuận. Vậy doanh thu có thể bị thao túng không?
Nếu bạn nhìn thấy một P/S bị sụt giảm bất thường nhờ tăng trưởng doanh thu, bạn có thể phát hiện ra điều không hợp lý dựa vào các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán. Trường hợp các khoản này tăng nhanh hơn nhiều so với doanh thu, khả năng đây là các khoản phải thu được nhận sớm và thực tế dòng tiền vẫn chưa chảy vào doanh nghiệp.
Nếu dòng tiền trong hoạt động kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ giảm, ngay cả khi thu nhập ròng đang tăng thì đây là dấu hiệu nhà đầu tư cần cảnh giác. Điều này cho thấy doanh nghiệp không thu được tiền trong khi doanh số tăng trưởng.
Ý nghĩa:
- Nếu hệ số P/S thấp trong khi doanh nghiệp đang ở thời kỳ ổn định, doanh thu tăng trưởng đều: Điều này có nghĩa doanh nghiệp bị định giá thấp. Bạn nên mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp này. Ngược lại nếu P/S quá cao có thể là doanh nghiệp đang bị định giá cao hơn giá trị thực tế.
- So sánh chỉ số P/S của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh cùng quy mô với điều kiện thị trường ổn định: Điều này giúp đánh giá được công ty sẽ là cơ hội đầu tư rủi ro hay hấp dẫn.
- So sánh P/S trong quá khứ của chính doanh nghiệp: Nếu bạn phân vân một doanh nghiệp đang hoạt động tốt và vững mạnh. Việc so sánh P/S của nó với quá khứ là một ý tưởng hay. Nếu P/S thấp hơn so với trung bình trong quá khứ, nhà đầu tư nên mua, ngược lại P/S cao hơn thì khoan hãy vào tiền.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên so sánh chỉ số P/S qua từng thời kỳ, kết hợp với các chỉ số khác để so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu xét trên yếu tố lợi nhuận, doanh nghiệp có P/S thấp so với P/S của nó trong quá khứ (hoặc đối thủ cạnh tranh) thì bạn nên đầu tư.
- Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh, làm ăn hiệu quả, ngành nghề ổn định, tốc độ tăng trưởng cao ⇒ P/S cao.
- Nếu tính rủi ro doanh nghiệp cao, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhiều ⇒ P/S thấp.
Tùy vào lĩnh vực, quy mô, cấu trúc, chiến lược hoạt động và rất nhiều yếu tố khác mà P/S của doanh nghiệp sẽ khác nhau. Chỉ số P/S chỉ thể hiện được góc nhìn của thị trường đối với chỉ tiêu doanh thu doanh nghiệp. Bạn không thể chỉ dựa vào chỉ số này mà bỏ qua toàn bộ cơ cấu chi phí hay cấu trúc vay nợ. Bởi P/S không thể phản ánh toàn diện bức tranh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.